Ngày đăng: T3, Th6 26th, 2018

Du lịch Ninh Bình: Tăng sức hấp dẫn, nhưng vẫn cần cải thiện

Tiếp tục giới thiệu tuyến điểm 3 tại Quần thể danh thắng Tràng An đến với du khách, Ninh Bình kỳ vọng đây sẽ là một trong những hoạt động tăng sức hấp dẫn, đồng thời khẳng định thương hiệu và góp phần kích cầu du lịch.

Mùa lúa chín là mùa cao điểm khi du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng cảnh đẹp của Ninh Bình.
Mùa lúa chín là mùa cao điểm khi du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng cảnh đẹp của Ninh Bình.

Điểm sáng của du lịch miền Bắc

Ninh Bình được đánh giá là điểm đến đặc sắc, có giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch. Chỉ tính riêng năm 2017, Ninh Bình đón 7 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa đạt hơn 6 triệu lượt và khách quốc tế là 859.000 lượt, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016. Theo ông Bùi Thành Đông – GĐ Sở Du lịch Ninh Bình – năm 2018 tỉnh sẽ phấn đấu đón 7,2 triệu lượt khách với doanh thu ước đạt 2.700 tỉ đồng.

Quần thể danh thắng Tràng An có 40 di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh đã được nhận diện, xếp hạng với 18 di tích cấp tỉnh và 20 di tích QG. Hiện Tràng An đưa vào khai thác 3 tuyến du lịch đường thuỷ với chiều dài hàng chục kilômét xuyên qua nhiều hang động. Tuyến du lịch số 3 tại quần thể danh thắng Tràng An chính thức được đưa vào khai thác cũng là bước khởi đầu trong kế hoạch tăng lượt khách tham quan, thu hút sự quan tâm, lựa chọn dành cho những ai ưa thích sự khám phá. Với thời gian 3 tiếng, ở tuyến điểm mới này du khách có cơ hội chiêm ngưỡng 3 hang động (hang Mây, hang Vân, hang Đại) theo một vòng khép kín và trong chương trình tour có cả các điểm đến tâm linh là đền Trình, đền thờ Quý Minh Đại Vương và khu Hành cung Vũ Lâm.

Ninh Bình hiện nhận được nhiều sự quan tâm, tìm kiếm của du khách quốc tế: “Một số lễ hội đặc trưng, di tích lịch sử văn hoá, các giá trị văn hoá phi vật thể nổi tiếng hay thế giới thiên nhiên được bảo tồn nguyên vẹn tại rừng nguyên sinh Cúc Phương, khu du lịch sinh thái Vân Long… đều là những tiêu chí quan trọng đáp ứng được mong muốn khám phá nét hoang sơ, gần gũi với thiên nhiên”.

Cần thay đổi, làm nghiêm để cải thiện phát huy tiềm năng mạnh mẽ của ngành du lịch Ninh Bình.

Mặc dù Tràng An từng được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới dựa trên 3 tiêu chí văn hoá, vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất địa mạo nhưng nhiều doanh nghiệp lữ hành bày tỏ quan điểm, Ninh Bình vẫn chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có, đặc biệt trong việc thể hiện là một điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện và mến khách.

Trên sông Ngô Đồng.
                                                              Trên sông Ngô Đồng.

Ông Eiichi Sato – đại diện một công ty lữ hành đến từ Nhật Bản – cho biết Ninh Bình vẫn còn tồn tại khá nhiều bất cập, nhất là việc chê tiền tip ít, có thái độ đòi thêm của những người lái đò khiến cho du khách bức xúc xen lẫn cảm giác không thoải mái. “Tiền tip nhiều hay ít là một việc làm tự nguyện, phần nào thể hiện sự trân trọng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này không sớm được xử lý thì tôi e rằng, du khách sẽ một lần đến và không bao giờ có ý định quay trở lại” – ông Eiichi Sato chia sẻ với sukien247.com và đề xuất nên tính tiền tip vào trong giá vé tham quan để giảm bớt sự khó chịu của du khách.

Việc đòi tiền tip tại các khu du lịch Ninh Bình đã tồn tại từ lâu, tuy nhiên Ban Quản lý và Sở Du lịch Ninh Bình vẫn chưa có động thái nghiêm túc, quán triệt về việc này. Ngoài ra, việc xả rác bừa bãi nơi công cộng, sản phẩm du lịch thiếu tính đa dạng, hành vi ứng xử không hoà nhã, cười nói ầm ỹ khi ăn nhậu hay chèo thuyền bằng… chân là những phản cảm, khiến Ninh Binh đang tự làm giảm đi hình ảnh đẹp.

Sông Ngô Đồng là dòng sông kỳ ảo đưa bạn xuyên qua Tam Cốc – một điểm du lịch nổi tiếng ở Ninh Bình, cách Hà Nội 100km.

Dòng sông Ngô Đồng xuyên qua các dãy núi đá vôi, len qua 3 hang đá gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba, khiến cho du khách có cảm giác như mình đang dạo chơi ở một vịnh Hạ Long khác, là một dòng sông trữ tình.

Dòng sông bắt nguồn từ dãy đá vôi ở thượng nguồn, đổ nước vào hệ thống sông Vạc tại gần cầu Vũng Trắm. Có thể mỗi năm vào mùa lúa chín làm vàng óng cả dòng sông như mày ngô đồng nhuộm vàng khi thu sang mà có tên chăng?

Cũng là con sông ấy thôi, nhưng vào mùa lúa chín, chín màu vàng của các ruộng lúa ngập trong nước ven hai bờ sông, những nông dân chèo thuyền thu hoạch trong cái vàng óng ả ấy đã tạo sức hút làm mê đắm lòng người. Tận dụng lợi thế khi con nước của sông rút, để hai bên bờ là khoảng đất đầy phù sa, người nông dân gieo hạt, rồi cây lúa cứ vươn lên theo con nước cho đến khi chín trĩu hạt, chẳng khác nào cách trồng lúa ở các tỉnh phía Nam.

Loading...