Ngày đăng: T3, Th4 25th, 2017

Đánh đổi rừng để … thi hoa hậu

Tỉnh Phú Yên cho phá trắng 116 ha rừng phòng hộ rồi mới làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng rừng. Hàng trăm ha đất rừng phòng hộ ven biển cho doanh nghiệp chặt phá để làm khu du lịch, sân golf… 

Đây không phải là lần đầu tiên tỉnh Phú Yên cho đánh đổi hàng trăm hecta rừng để giao cho doanh nghiệp. Dư luận băn khoăn: Vì sao Phú Yên dễ dàng đánh đổi rừng như vậy?

Đây không phải là lần đầu tiên tỉnh Phú Yên đánh đổi rừng cho mục đích sử dụng khác. Theo quy định để triển khai dự án thì mọi thủ tục phải hoàn thành mới được làm. Thế nhưng, ghi nhận của PV tại hiện trường ngày 22/4, hầu như rừng phi lao tại khu vực xã An Phú đã bị xóa sổ. Hàng chục máy móc được điều động để sang lấp mặt bằng cho công nhân tiến hành trồng cỏ và tổ chức thi công các hạng mục khác của công trình.

Tổng quan dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New city Việt Nam
Tổng quan dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New city Việt Nam
Một người dân địa phương cho biết: Khu vực rừng này được người dân ở đây trồng rất lâu, để giảm cát bay, cát nhảy, đồng thời giảm việc biển xâm thực. Không hiểu sao tỉnh lại cho chặt đi rồi làm dự án golf. Nước biển thì càng ngày càng dâng, nhà nước phải bỏ hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng để làm bờ kè… mà không hiểu sao chính quyền nơi đây lại có chủ trương phá rừng phòng hộ ven biển làm dự án sân golf?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 23-4, ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, thừa nhận UBND tỉnh cho phép Công ty TNHH New City Việt Nam (VN) vừa thi công vừa làm các thủ tục của dự án Khu du lịch cao cấp New City VN.

Ai cho phép phá rừng?

Ai đã cho phép phá rừng phòng hộ khi chưa chuyển mục đích sử dụng? Tại cuộc làm việc với báo chí ngày 21-4, ông Mai Kim Lộc, Phó Giám đốc Sở TN&MT, nói: “Nếu nói về các quy định của pháp luật, đây thuộc thẩm quyền của các cấp lãnh đạo. Sở TN&MT thực hiện theo chỉ đạo trong lĩnh vực đất đai. Dự án này đã được Thủ tướng cho phép từ năm 2005-2006. Chính vì thế, việc sử dụng đất rừng phòng hộ tôi nghĩ rằng chắc căn cứ vào sự cho phép của Thủ tướng trước đây”.

Trả lời câu hỏi: “Ban Thường vụ Tỉnh ủy hay UBND tỉnh có văn bản nào cho phép chủ đầu tư vừa thi công vừa làm thủ tục không?”, ông Lộc nói: “Hình như cho phép trong cuộc họp”.

Tiếp đó, một cán bộ Sở TN&MT có mặt tại buổi làm việc nói rằng có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, khi PV hỏi văn bản nào thì cán bộ này nói sẽ lục lại và cung cấp sau.

Trao đổi với chúng tôi ngày 23-4, ông Phạm Đình Cự, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh (người đã ký công văn ngày 20-4-2015 giao các sở, ngành nghiên cứu nhiều nội dung đề xuất của chủ đầu tư), xung quanh vấn đề này nhưng ông Cự nói lâu quá không nhớ.

Khi PV đăng ký làm việc các vấn đề liên quan dự án trên, ông Lee Jung Jun, Giám đốc dự án Công ty TNHH New City VN, từ chối: “Công ty chúng tôi không được lệnh làm việc với nhà báo nên chúng tôi không trả lời bất cứ nội dung gì. Nếu mấy anh muốn thì làm việc với tỉnh”.

“Vì sao một dự án “treo” nhiều năm lại được hưởng cơ chế đặc thù, vừa thi công vừa làm thủ tục?”, ông Nguyễn Chí Hiến trả lời: “Có một số nội dung cho tiến hành song trùng. Dự án này có từ năm 2004, qua ba nhiệm kỳ rồi”.

“Nhưng trong khi chưa trình hồ sơ lên Thủ tướng xin chuyển mục đích sử dụng, tỉnh Phú Yên đã cho phá trắng 116 ha rừng phòng hộ. Nếu Thủ tướng không chấp thuận chuyển mục đích sử dụng, lãnh đạo tỉnh Phú Yên chịu trách nhiệm và xử lý ra sao?”. Trả lời câu hỏi này, ông Hiến cho hay: “Về nguyên tắc, từ năm 2004 tỉnh xin chủ trương, Thủ tướng cho phép rồi. Năm 2008, dự án được chấp nhận rồi. Vấn đề là cách làm thôi”.

Khi PV đặt vấn đề thời điểm đó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc chủ trương đầu tư dự án trên chứ không phải cho phép sử dụng rừng phòng hộ, ông Hiến nói ngắn gọn: “Tôi sẽ thông tin chi tiết sau”.

Đánh đổi đến bao giờ?

Đây không phải là lần đầu tiên tỉnh Phú Yên cho đánh đổi hàng trăm hecta rừng để giao cho doanh nghiệp. Vụ việc 377 hecta rừng bị chặt phá để phục vụ nuôi bò tại Sông Hinh đang được thanh tra, thì tỉnh Phú Yên lại tiếp tục giao 115 hecta rừng phòng hộ ven biển cho doanh nghiệp làm Khu du lịch liên hợp cao cấp. Vì sao Phú Yên lại dễ dàng đánh đổi rừng như vậy?

Công nhân đang tưới nước cho cỏ vừa mới trồng
Công nhân đang tưới nước cho cỏ vừa mới trồng

Theo quy định của Thủ Tướng Chính phủ, với trường hợp muốn chuyển mục đích sử dụng từ 20 hecta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên, phải được Thủ tướng chấp thuận. Tuy nhiên, từ tháng 10/2016, tỉnh đã cho phép chặt phá khu rừng trên. Mãi đến cuối tháng 2/2017, UBND tỉnh mới có công văn giao Sở TN&MT rà soát các thủ tục để UBND tỉnh bổ sung hồ sơ tài liệu trình Thủ tướng chấp thuận chuyển mục đích đất rừng phòng hộ.

Lý giải về vì sao mọi việc vẫn đang hoàn thành nhưng tỉnh lại cho doanh nghiệp triển khai dự án, ông Mai Kim Lộc phân trần: “Đối với dự án này thì Sở TN&MT không có chức năng cho phép hay không, mà mọi quyết định đều ở UBND tỉnh Phú Yên”.

Tuy nhiên theo ông được biết, để thực hiện năm doanh nghiệp, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh nên tỉnh đã cho phép doanh nghiệp thi công một số hạng mục. Ngoài ra sắp tới, vào tháng 7/2017, tỉnh Phú Yên đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN nên tỉnh mong muốn dự án sẽ là điểm nhấn khi du khách đến với Phú Yên và cũng để du khách có nơi vui chơi giải trí.

Loading...