Ngày đăng: T6, Th2 22nd, 2019

Công tác chống dịch tả lợn châu Phi ở Hưng Yên, Thái Bình

Tin nóng: Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), đã có 3 ổ dịch lợn châu Phi được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Hiện nay công tác chống dịch tả lợn châu Phi đang được thực hiện rất nghiêm túc, quyết liệt.

Công tác chống dịch tả lợn châu Phi ở Hưng Yên, Thái Bình
Công tác chống dịch tả lợn châu Phi ở Hưng Yên, Thái Bình

Cụ thể, tại TP.Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), đã phát hiện hộ ông Dương Văn Vũ ở xã Trung Nghĩa; hộ ông Lê Xuân Tình (xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ) có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Và tại tỉnh Thái Bình, đã phát hiện dịch tại một số hộ chăn nuôi tại xã Đông Đô, huyện Hưng Hà.

Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, thông tin dịch bệnh tả lợn châu Phi có ở một số địa phương bắt đầu xuất hiện từ ngày 1/2/2019. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương vào cuộc tiêu hủy toàn bộ số lợn của hộ chăn nuôi.

Cụ thể, tổng số lợn tiêu hủy ở TP.Hưng Yên là 33 con; ổ dịch ở huyện Yên Mỹ 101 con; ổ dịch ở Thái Bình là 123 con, chủ yếu là lợn con theo mẹ, lợn choai,…

Về lý do tại sao dịch lại xảy ra sâu trong nội địa, theo ông Đông, có thể do chim di cư, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc, Mông Cổ và nhiều nước khác đang có dịch; chưa kể lưu lượng người, phương tiện qua lại biên giới phía Bắc rất lớn; việc nhập lậu lợn qua biên giới chưa được kiểm soát, đã có nhiều vụ buôn lậu lợn và sản phẩm từ lợn được phát hiện.

Ông Đông cho rằng, bệnh dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh mới trong khu vực nên hết sức thận trọng. “Chúng tôi phải lấy mẫu xét nghiệm tại nhiều phòng thí nghiệm, tham vấn quốc tế sau đó mới khẳng định đây là mầm bệnh mới. Khi xảy ra các ổ dịch, ngay lập tức chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn đã vào cuộc quyết liệt. Trước hết, ngăn chặn ngay việc bán chạy lợn” – ông Đông khẳng định.

Cũng theo ông Đông, ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Cục Thú y đã phối hợp với các địa phương ngay lập tức tiêu hủy toàn bộ số lợn của hộ chăn nuôi; thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực có dịch, đường ra vào ổ dịch; thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; tổ chức rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn; tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch và có kết quả âm tính.

“Cho đến thời điểm này, xung quanh khu vực phát hiện dịch bệnh không phát sinh ổ dịch mới và đã qua 18 ngày, ổ dịch về cơ bản được khống chế” – ông Đông nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Long –Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y), biểu hiện rõ nhất của dịch tả lợn châu Phi là lợn sốt cao, trên 40 – 42 độ C; chết ở nhiều loại lợn và không chết ồ ạt.

“Đây là loại bệnh không có khái niệm chữa trị, nên khi mắc bệnh, biện pháp duy nhất là tiêu hủy” – ông Long nói.

Ông Phạm Văn Đông cũng nhấn mạnh, dù đã phát hiện dịch nhưng đây là những ổ dịch nhỏ nên người dân không nên hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp để phòng chống dịch, nhất là các biện pháp sinh học như rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, tiêu độc khử trùng. “Tuyệt đối không được đưa lợn bệnh ra ngoài vùng dịch” – ông Đông nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đông, dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn mà lựa chọn những sản phẩm có đủ truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Cục Thú y cũng khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện thường xuyên vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh; có biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng; không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các sản phẩm thịt lợn bệnh; mua con giống rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa; thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín.

Khi phát hiện lợn bệnh, tuyệt đối không bán chạy lợn bệnh; không giết mổ, không bán chạy lợn bệnh; không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường vì bệnh này không điều trị được, chưa có vaccine điều trị.

Đối với các trang trại quy mô lớn, tăng cường các biện pháp an toàn sinh học; yêu cầu tất cả các cán bộ, công nhân kỹ thuật phải thực hiện nghiêm; có biện pháp xử lý, sát trùng mọi phương tiện, dụng cụ ra vào trang trại; có biện pháp ngăn chặn côn trùng. Thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng khu vực nuôi, khu vực xung quanh; trên các tuyến đường trong và từ ngoài đi vào trại.

Khi có lợn bệnh; nghi bị bệnh phải báo chính quyền và cơ quan chuyên môn để lấy mẫu xác định nguyên nhân; không được bán chạy, giêtr mổ, vận chuyển đi nơi khác.

Tại trang trại của gia đình ông Lê Xuân Tình (một trong những điểm dịch tả châu Phi xuất hiện đầu tiên trong cả nước) ở xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên), thời điểm này vẫn đang được các cán bộ thu y địa phương tập trung xử lý khử trùng. Ra xem chuồng trại, ông Tình buồn rầu nói: “Chúng tôi quá bất ngờ khi lợn bị dịch nên trở tay không kịp, toàn bộ đàn vật nuôi, cũng là tài sản của gia đình không thể cứu vãn được nữa”.

Ông Lê Văn Bộ, xã Yên Hoà (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) và các con mình như chết lặng. Cùng ngày địa phương công bố dịch tả lợn châu Phi cũng là lúc gia đình ông Lê Văn Bộ phải chịu “đại tang” lợn. Toàn bộ số lợn nái, đực, giống tại trang trại của gia đình ông lần lượt được các cán bộ của cơ quan liên ngành tỉnh Hưng Yên đưa lên xe mang đi tiêu hủy.

“Trong số hàng trăm con lợn nái đó, có nái mang bầu sắp đến ngày đẻ, có nhiều nái mới đẻ, đàn con lúc nhúc chưa kịp bú mẹ đã bị đưa đi tiêu hủy khiến chúng tôi đau xót vô cùng”, ông Bộ ngậm ngùi.

Nói về giải pháp hỗ trợ của địa phương, ông Bộ cho rằng: Theo quy định của nhà nước, bà con chăn nuôi ở Yên Hòa đã chấp nhận hy sinh đàn lợn của mình để đảm bảo an toàn, tránh dịch bệnh lây lan nhưng mọi người cũng rất mong chính quyền địa phương sớm có hỗ trợ, đặc biệt là số tiền hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn hơi như đã hứa để bà con có chút vốn tái đầu tư làm lại.

“Giờ gia đình tôi đã “trắng tay”, nếu nhà nước không có hỗ trợ kịp thời thì e rằng chúng tôi khó có thể vực dậy được nghề chăn nuôi”, ông Bộ nói.

Ông Nguyễn Minh Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, trước tình hình trên, ngày 20.2 tỉnh đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đồng thời thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh và cấp huyện tại thành phố Hưng Yên và huyện Yên Mỹ.

Bên cạnh sự hỗ trợ của địa phương, ông Dương Văn Vũ cũng kiến nghị các cơ quan liên quan, nhất là các ngân hàng sớm có cơ chế cho nông dân vay vốn ưu đãi để bà con khôi phục lại chăn nuôi sau khi đợt dịch bệnh này kết thúc. “Nếu các ngân hàng không tạo điều kiện giãn nợ và cho vay thêm vốn với lãi suất thấp thì bà con chúng tôi khó có cơ hội sống lại”, ông Vũ khẳng định.

Chỉ đạo tại buổi “họp nóng” ở xã Lô Giang, huyện Đông Hưng (Thái Bình) vào chiều tối ngày 21/2, ông Phạm Văn Xuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng: “Đây là lần đầu tiên chúng ta đối phó với dịch tả châu Phi, một dịch bệnh chưa có thuốc chữa và nguy hiểm bậc nhất thế giới hiện nay nên trong mọi công tác khó tránh khỏi lúng túng nhưng tinh thần là chúng ta phải quyết liệt, làm đến đâu phải chắc đến đó”.

Ông Xuyên cho hay: Điều quan trọng nhất lúc này là chúng ta phải bình tĩnh đối phó với dịch bệnh, tránh làm cho qua, làm sơ sài. Nhất là trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân, các địa phương cũng phải làm thật cẩn thận và phải dân chủ, công khai và minh bạch.

“Khi tuyên truyền, vận động bà con, chúng ta phải giải thích rõ về dịch bệnh và độ nguy hiểm của nó để bà con có kiến thức phòng tránh, không giấu khi có dịch. Riêng đối với công tác kiểm đếm, tiêu hủy lợn chúng ta cũng phải thành lập cả tổ công tác có đủ các thành phần, trong đó nhất thiết phải có cán bộ tài chính và các đoàn thể, mặt trận tổ quốc tham gia thực hiện giám sát công khai. Nếu cần thiết, khi làm xong công tác tiêu hủy, các xã cần công bố số lượng lợn tiêu hủy lên loa truyền thanh để toàn dân được biết nhằm tạo lòng tin trong bà con”, ông Xuyên nhấn mạnh.

 

Loading...