Ngày đăng: T3, Th12 25th, 2018

Thảm họa sóng thần ở Indonesia khiến hàng trăm người thiệt mạng

Tin thế giới: Sóng thần hình thành do núi lửa tối 22/12 đánh vào các bãi biển quanh eo biển Sunda ở Indonesia, phá hủy hàng trăm ngôi nhà và khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Thảm họa sóng thần ở Indonesia khiến hàng trăm người thiệt mạng
Thảm họa sóng thần ở Indonesia khiến hàng trăm người thiệt mạng

“Tối qua, thảm họa xảy ra trong chuyến đi của gia đình tôi đến bờ biển Tây Java – chúng tôi bị sóng thần tấn công”, người đàn ông có tên Oystein Lund Anderson ngày 23/12 viết trên Facebook.

Andersen đang ở bãi biển để chụp ảnh núi lửa Krakatau thì thấy một cơn sóng lớn đánh vào. “Tôi phải chạy, sóng trào vào trong đất liền 15-20m. Cơn sóng tiếp theo còn tràn vào khu vực khách sạn tôi đang ở và làm ngập những chiếc xe trên con đường ở phía sau”, ông kể.

“Tôi di tản được gia đình đến vùng cao hơn qua các con đường rừng và các ngôi làng, nơi chúng tôi được người dân địa phương giúp đỡ. Không hề hấn gì, thật may quá!”, Andersen cho biết. “Đây là lần đầu tiên tôi gặp sóng thần, hy vọng cũng là lần cuối”.

Tại bãi biển Carita, địa điểm du lịch nổi tiếng ở bờ biển phía tây Java, Muhammad Bintang, 15 tuổi, kể lại: “Chúng tôi đến đây vào lúc 21h thì đột nhiên nước ập đến – trời tối, mất điện. Khu vực bê ngoài rất hỗn loạn và chúng tôi không thể ra được đến đường”.

Ở tỉnh Lampung, Lutfi Al Rasyid, 23 tuổi, cho biết anh chạy trốn khỏi bãi biển ở thành phố Kalianda vì lo sợ cho tính mạng của mình. “Tôi không thể khởi động xe máy nên phải bỏ của chạy lấy người. Tôi chỉ cầu nguyện và chạy càng xa càng tốt”, anh nói.

“Ít nhất 373 người đã thiệt mạng, 1.459 người bị thương và 128 người vẫn mất tích. Cảnh báo sóng lớn sẽ được duy trì tới ngày 26.12”, Sutopo Nugroho, người phát ngôn Cơ quan Ứng phó Thiên tai Indonesia nói.

Giới chức Indonesia cảnh báo những người sống gần núi lửa Anak Karatau cần phải tránh xa khu vực bãi biển vì nguy cơ sóng thần quay trở lại bất cứ lúc nào.

Cơ quan địa chất Indonesia xác nhận lở đất dưới biển do tác động của núi lửa phun trào là nguyên nhân tạo ra sóng thần cao tới 3 mét ập vào bờ biển phía nam Sumatra và tây Java.

“Cơ quan khí hậu, địa chất và địa lý khuyến cáo người dân không nên ra biển trong thời điểm này”, Nugroho nói thêm. Ông Nugroho cảnh báo số nạn nhân có thể còn tiếp tục tăng, khi lực lượng cứu hộ cố gắng đào bới bằng cả máy móc và tay không.

Có thể ít ai biết rằng, núi lửa Anak Krakatau chính là “hậu duệ” của thảm họa núi lửa khủng khiếp bậc nhất trong lịch sử loài người, mang tên: Núi lửa Krakatau.

Cách đây 135 năm, vào tháng 8/1883, núi lửa “cha” Krakatau (hay Krakatoa) phun trào, và gây ra vụ nổ có âm thanh được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử nhân loại (mạnh tới 200 deciben (dB) trong bán kính 20km). Âm thanh có thể hủy diệt thính giác của nhiều người gần tâm nổ ngay lập tức.

Sau vụ nổ, hàng triệu tấn nham thạch đổ xuống biển đã gây nên những cơn sóng thần khiến cho hàng nghìn người thiệt mạng.

Hiện tại ước tính gần 12.000 người đã được sơ tán lên các khu vực cao hơn để đối phó với nguy cơ sóng thần quay trở lại. Trận sóng thần đã phá hủy hơn 700 căn nhà, bao gồm cửa hàng, nhà riêng và khách sạn.

Loading...