Ngày đăng: T5, Th11 30th, 2017

Triều Tiên: Mỹ chỉ chiến tranh nếu chấp nhận hy sinh Hàn Quốc

Giáo sư Alexander Vuving cho rằng “Tứ giác Kim cương” có thể sẽ là lời giải cho nhiều thách thức an ninh trong khu vực và thế giới nhưng chìa khóa vấn đề Triều Tiên vẫn nằm ở Trung Quốc.

Trong cuộc trao đổi với sukien247.com nhân sự hồi sinh của “bộ tứ” hợp tác giữa Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ sau 1 thập niên, Giáo sư Alexander Vuving (Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ) cho rằng việc “Tứ giác Kim cương” trở lại là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Dù vậy, sự trở lại lần này cần sự thận trọng để tâm đến phản ứng của Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh các nước cần quan hệ kinh tế với Bắc Kinh và phụ thuộc vào Bắc Kinh để kiềm chế mối đe dọa từ Triều Tiên.

Trung Quốc trỗi dậy, Mỹ thôi ‘dấn thân’

thế giới
Ý tưởng về một “bộ tứ” đã được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề xuất từ 10 năm trước nhưng không thành do sự rút lui của Australia

– Đại diện 4 nước Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ vừa gặp nhau tại Manila (Philippines), đánh dấu sự trở lại của cơ chế hợp tác được gọi là “bộ tứ” hoặc “Tứ giác Kim cương” sau 10 năm. Tại sao là lúc này?

– Giáo sư Alexander Vuving: Có 2 nguyên nhân chính dẫn tới điều này: sự nổi lên của Trung Quốc và sự thay đổi trong chính sách của Mỹ, trong đó việc Trung Quốc mạnh lên một phần bắt nguồn từ động thái rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

TPP không liên quan đến quân sự, nhưng là “xương sống chiến lược” cho thấy sự cam kết và dấn thân của Mỹ trong khu vực và an ninh thế giới. Khoảng trống quyền lực mà Mỹ để lại đã được Trung Quốc lấp vào. Trong khi Tổng thống Trump rút khỏi TPP, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại liên tiếp thể hiện mình người “giương cao ngọn cờ” ủng hộ toàn cầu hóa và tự do mậu dịch, tự do thương mại thế giới.

Mặt khác, Trung Quốc dù mạnh lên lại không hành xử như mọi điều họ nói, thị trường Trung Quốc cũng không phải một thị trường hoàn toàn mở.

thế giới
Vấn đề Triều Tiên sẽ là một trở lực khiến các nước “bộ tứ”, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản, không dám làm mất lòng Trung Quốc

Một mặt, Trung Quốc muốn kêu gọi các nước mở cửa thị trường nhưng lại áp đặt nhiều rào cản đối với thị trường của mình. Các công ty phương Tây muốn vào Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ cho nước này và chịu nhiều áp đặt. Mặt khác, họ lợi dụng tự do thương mại để gây áp lực chính trị, như trong trường hợp “trừng phạt” hãng Lotte vì cho phép chính phủ Hàn Quốc sử dụng đất triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Trong ngoại giao thế giới, Trung Quốc muốn các nước trên thế giới “quan hệ kiểu mới” với họ, muốn nước nhỏ phải chấp nhận nhược tiểu, phải biết “cư xử như một nước nhỏ”, có “tôn ti trật tự” và chấp nhận sự áp đặt của Bắc Kinh.

Một số nước nhỏ có thể chấp nhận, nhưng những nước “không nhỏ lắm”, như Nhật Bản hay Ấn Độ, không ngồi im chịu đựng việc này. Vì vậy, Nhật Bản đã tăng cường vai trò lãnh đạo bằng cách tập hợp các nước còn lại trong TPP, quyết tâm đi tiếp con đường này và thúc đẩy cuộc gặp giữa “bộ tứ” tại Philippines. Tất nhiên, điều này không đơn thuần chỉ là Nhật Bản mà còn đến từ cả 3 nước còn lại.

thế giới
Nếu thành công, “bộ tứ” sẽ trở thành hình mẫu cho việc hợp tác đa phương tại châu Á và là động lực cho sự phát triển của cả ASEAN. Trong ảnh, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN lần thứ 5 tại Manila vào tháng 11. Các quan chức của “bộ tứ” đã gặp nhau bên lề chuỗi hội nghị của ASEAN tại Manila.

– “Tứ giác Kim cương” sẽ là một cơ chế hợp tác như thế nào? Các nước sẽ cùng nhau bàn thảo những gì và làm những gì?

– Tên gọi “bộ tứ” hợp lý hơn “Tứ giác Kim cương”. “Bộ tứ” này đến từ ý tưởng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào năm 2007.

Tuy nhiên, nó không đơn thuần của ông Abe mà có từ trước đó rất lâu giữa nước lớn có chung lợi ích chiến lược và giá trị cùng hợp tác để giữ gìn an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực. Khi sóng thần từ Ấn Độ Dương ập vào Indonesia, 4 nước này đã họp lại thành bộ tứ nhằm điều phối các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Đây chính là biểu hiện đầu tiên của “bộ tứ” này.

Trong 10 năm cơ chế 4 bên “ngủ yên”, việc hợp tác giữa những các nhóm 3 nước trong “bộ tứ” vẫn diễn ra. Khi “bộ tứ” được triển khai lại, bước đầu tiên các nước có thể làm cùng nhau là điều phối những hoạt động cứu trợ nhân đạo, đối phó với những vấn đề an ninh phi truyền thống chứ chưa tập trận cùng nhau.

Ngoài hợp tác 4 bên trong khuôn khổ “bộ tứ”, trong tương lai rất có thể sẽ có những hợp tác 3 bên trong số 4 thành viên “bộ tứ”, hoặc 2 thành viên “bộ tứ” với 1 nước bên ngoài. Đơn cử như hợp tác giữa Ấn Độ và Australia với Indonesia, đây là một mối quan hệ đang hình thành và có khả năng phát triển. Tôi nghĩ là Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào những mối quan hệ như vậy.

– Sự khác nhau về lợi ích sẽ ảnh hưởng ra sao đến việc hình thành và hợp tác của “bộ tứ”?

– Bản thân 4 nước có nhiều sự khác biệt. Ví dụ, Australia rất ngại những hành động mạnh bạo có thể khiến Trung Quốc phật lòng. Nhiều chính trị gia thuộc phe chủ hòa ở Australia mong muốn xem xét lại quan hệ đồng minh với Mỹ và coi đó là gánh nặng chiến lược đối với Australia. Dù Sách trắng gần đây của Australia đã tuyên bố tăng cường liên minh quân sự với Mỹ để đối phó với sự đi lên của Trung Quốc, bên trong Australia cũng tồn tại nhiều lợi ích kinh tế với Trung Quốc và những lợi ích này khó lòng bị hy sinh. Trong những năm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thị trường Trung Quốc đã là cứu tinh cho các doanh nghiệp Australia.

Những điều này “níu kéo” Australia trong việc tham gia “bộ tứ”, nên trước đây họ chỉ thăm gia các bộ ba, hoặc hợp tác song phương với từng nước. Việc đi đến giai đoạn này đã là một bước tiến triển rất mới.

Khoảng cách địa lý cũng tạo ra sự khác biệt lợi ích. Ví dụ, lợi ích của Nhật Bản tập trung ở Đông Á, nơi vấn đề nổi cộm là mối đe dọa từ Triều Tiên. Tokyo biết rằng họ cần sự hợp tác của Bắc Kinh và phải có những động thái mềm mỏng để giải quyết vấn đề này. Ấn Độ không bị ảnh hưởng bởi vấn đề Triều Tiên nhưng phải giải quyết mối quan hệ với Pakistan… Mỗi nước có những ưu tiên chiến lược khác nhau.

Ngoài ra, Trung Quốc đang là bạn hàng lớn nhất các nhiều nước, dù là Mỹ, Nhật hay Australia, việc này khiến “bộ tứ” phải tìm cách cân bằng lợi ích.

Vấn đề Triều Tiên không thể thiếu Trung Quốc

– Trong bối cảnh Triều Tiên lại vừa phóng tên lửa sau vài tháng im ắng, “bộ tứ” có thể giúp ích gì trong vấn đề này?

– Tôi không nghĩ rằng “bộ tứ” có thể giải quyết vấn đề Triều Tiên. Để tạo được áp lực tới Triều Tiên, không thể không có Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Tổng thống Trump phải tìm cách lấy lòng Trung Quốc. Trung Quốc là bên duy nhất nắm chìa khóa trong vấn đề Triều Tiên.

Trung Quốc cung cấp 80% sản lượng xuất nhập khẩu của Triều Tiên, từ dầu mỏ, lương thực, những gì Triều Tiên không thể tự sản xuất, phải nhập khẩu từ bên ngoài, phần lớn họ phải nhập từ Trung Quốc. Chỉ cần Trung Quốc “ách” nguồn cung này lại, Triều Tiên sẽ kiệt quệ.

Các nước khác không thể làm gì cả, vì họ không có gì để gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Điều duy nhất Mỹ có thể làm là gây áp lực quân sự, nhưng tôi cho rằng Mỹ không dám làm điều này vì một nửa dân số Hàn Quốc đang nằm trong tầm bắn của pháo Triều Tiên.

Trong 50 triệu dân Hàn Quốc, 50% sống tại thủ đô Seoul và nơi đây cách biên giới liên Triều chỉ vài giờ đi xe. Hàng chục nghìn khẩu pháo của Triều Tiên đang sẵn sàng từ bên kia biên giới, nếu xung đột nổ ra, chỉ trong vài ngày Triều Tiên có thể tiêu diệt hàng vạn người Hàn Quốc. Người Mỹ chỉ dám phát động chiến tranh khi chấp nhận hy sinh Hàn Quốc.

Mỹ không còn lá bài nào để gây áp lực với Triều Tiên.

– Sự hình thành một “bộ tứ” như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cấu trúc an ninh hay các định chế khác trong khu vực và thế giới, như ASEAN?

– Châu Á – Thái Bình Dương thật ra chưa hề có cấu trúc đa phương tương tự như “bộ tứ”. Từ trước đến nay, hợp tác trong khu vực này chủ yếu theo cấu trúc “nan hoa”, Mỹ ở trung tâm và các “nan hoa” tỏa ra từ trung tâm, đó là quan hệ đồng minh quân sự của Mỹ với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… Tất cả các mối quan hệ này thực chất đều là quan hệ song phương với Mỹ và các nước.

Quan hệ đa phương trong khu vưc tập trung vào các diễn đàn đa phương của ASEAN. Tuy vậy, những diễn đàn này không giải quyết được vấn đề an ninh thế giới. Đó chỉ là nơi các nước xây dựng lòng tin.

Khi thảm họa sóng thần xảy ra, các nước nhận ra một cấu trúc đa phương như kiểu bộ tứ Nhật Bản – Mỹ – Ấn Độ – Australia chính là câu trả lời cho một số vấn đề an ninh trong khu vực, lúc đó chính là cứu trợ nhân đạo. Điều này cho thấy châu Á – Thái Bình Dương cần một cơ chế đa phương tập hợp những nước thực sự có khả năng.

Nếu “bộ tứ” này thật sự tạo được hiệu ứng nhằm ngăn cản nhất định ảnh hưởng của Trung Quốc và thu hút được các nước trong khu vực, nếu họ tạo ra được một đối trọng cho các nước khác có thể “bấu víu”. Khi đó, họ sẽ là một cực mới và khiến ASEAN phần nào mất đi vai trò trung tâm, ASEAN phải thay đổi để thích ứng tình hình mới.

Mỹ phải là “anh cả”

– Có ý kiến cho rằng dù “bộ tứ” là do Nhật Bản xúc tiến mạnh mẽ nhất, cơ chế này không thể hợp tác hiệu quả nếu Mỹ không đóng vai trò tích cực?

– Điều này hoàn toàn đúng. Bộ ba gồm Australia, Nhật Bản và Ấn Độ rất khó đi được đến đâu. Thứ nhất, họ không thể chống chọi với Trung Quốc. Nhật Bản không có vũ khí hạt nhân và lực lượng quân sự thông thường của Nhật Bản cũng nằm trên cơ sở hợp tác với Mỹ chứ chưa đủ mạnh để răn đe Trung Quốc. Trong khi đó, lượng vũ khí hạt nhân của Ấn Độ chỉ bằng 1/2 Trung Quốc và còn dùng để kiềm chế Pakistan. Họ còn nằm ở thế phải đối phó với cả Pakistan lẫn Trung Quốc, trong khi 2 nước này lại hợp tác với nhau.

Về mặt kinh tế, họ tương đối yếu so với Trung Quốc, trừ Nhật Bản vẫn còn khả năng tài chính để đối trọng. Về chính trị, ngoại giao, ba nước còn lại trong bộ tứ cũng chưa đủ tiềm lực tạo thành sức hút trong khu vực, kêu gọi các nước khác ngã về phía họ. Chỉ có sự tham gia của Mỹ mới làm thay đổi cán cân này. Mỹ đóng vai trò không thể thiếu trong bộ tứ này.

– Như vậy chẳng phải Mỹ vẫn là trung tâm trong một cơ chế hợp tác “nan hoa” như trước giờ sao?

– Đúng là không thể có một cơ chế đa phương hoàn toàn. Ở châu Âu, chúng ta có thể thấy NATO là một cơ chế đa phương nhưng Mỹ đóng vai trò lãnh đạo. Đối với bộ tứ này, khi Mỹ vào “ngồi” cùng những nước này, tình thế sẽ khác hoàn toàn với việc Mỹ hợp tác song phương từng nước một.

Tất nhiên, dù ở đâu thì Mỹ cũng luôn đóng vai trò trung tâm, nhưng cơ chế đa phương sẽ khác cơ chế nan hoa.

– Ông dự đoán như thế nào về phản ứng của Trung Quốc đối với sự hình thành “bộ tứ”?

– Tất nhiên, Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để phản đối bộ tứ này bằng nhiều cách. Đầu tiên là biện pháp “chia để trị”, hợp tác song phương với từng nước trong “bộ tứ”, sử dụng “cây gậy và củ cà rốt”, khiến các nước này lo ngại và không muốn đẩy mạnh hợp tác trong bộ tứ. Trung Quốc cũng có thể triển khai biện pháp ngoại giao với các nước trong khu vực để tẩy chay, lên án “bộ tứ”.

Hiện nay, mọi việc đang rất mới, nhưng nếu bộ tứ này hoạt động ổn định và phát triển, Trung Quốc sẽ thực hiện những biện pháp trên.

Loading...